Khó Hay Dễ Khi Thực Thi Quyền Chuyển Đổi Giới Tính Tại Việt Nam

Cỡ chữ

Luật Chuyển đổi giới tính và xác định lại giới tính là hai quyền nhân thân liên quan tới giới tính của công dân Việt Nam được ghi nhận tại Điều 36 và 37 của Bộ Luật Dân sự năm 2015. Tên của hai quyền này khi nhắc đến chúng ta có thể cảm thấy rất tương đồng, tuy nhiên về mặt nội dung quy định và thực thi quyền thì lại có sự khác biệt rất lớn. 

 Xác định lại giới tính

Điều 36 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền xác định lại giới tính như sau:

 1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Theo đó, cá nhân chỉ được xác định lại giới tính khi: GIỚI TÍNH bị KHUYẾT TẬT BẨM SINH (những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật) hoặc CHƯA ĐỊNH HÌNH CHÍNH XÁC (là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính) và cần có sự can thiệp y học mới có thể xác định rõ giới tính.

Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 05/08/2008 quy định rõ về cách thức xác định lại giới tính, tạo điều kiện cho việc xác định lại giới tính có tính khả thi trên thực tế.

>>> Xem thêm:

Đổi Tên Cho Đúng Giới Tính​

Mua Bán Xe Máy Cũ Bằng Giấy Viết Tay

Luật Chuyển đổi giới tính

Đối với Quyền chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã không ghi nhận quyền này, điều này khiến cho nhiều người vì khát khao được sống đúng với giới tính thật sự của mình nên đã ra nước ngoài để thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Và khi trở về nước, họ đã gặp rất nhiều khó khăn do thông tin trên giấy tờ tuỳ thân như hình ảnh, giới tính khác hoàn toàn với thực tế, họ gần như sống ngoài vòng pháp luật, chịu nhiều thiệt thòi mà không được pháp luật bảo vệ.

Trước nhu cầu bức thiết về mặt thực tế, Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận quyền chuyển đổi giới tính của công dân tại Điều 37 với nội dung: 

Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Điều luật này đã công nhận công dân có quyền Chuyển đổi giới tính của mình theo quy định của pháp luật, đồng thời:

  • Có quyền và Nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch

  • Có quyền nhân thân phù hợp với giới tính mới, 

  • Có quyền thay đổi tên theo điểm e khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015.

Tuy nhiên, trên thực tế, từ 2015 đến nay, chưa có bất cứ văn bản nào hướng dẫn về việc thực thi quyền chuyển đổi giới tính khiến cho quyền này chỉ mang tính nguyên tắc, khó triển khai.

Có một bạn trẻ ở Sóc Trăng đã trao đổi với tôi rằng bạn đã phẫu thuật chuyển giới xong nhưng khi nộp hồ sơ xin đổi tên ở địa phương thì chính quyền trả lời rằng: Điều 37 Bộ luật dân sự chỉ quy định “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật” và không có bất cứ hướng dẫn hoặc giải thích chuyển đổi giới tính như thế nào là đúng quy định. Các quyền về hộ tịch, quyền đổi tên chỉ được thực hiện khi đã chuyển đổi giới tính đúng quy định của pháp luật, do vậy, họ không đồng ý thực hiện việc đổi tên cho bạn trẻ.

Việc chưa có quy định rõ ràng về thủ tục thay đổi thông tin giới tính, họ tên trên các giấy tờ tùy thân của người chuyển đổi giới tính cho phù hợp với hình dáng, giới tính sau phẫu thuật khiến cho những người chuyển đổi giới tính vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong các vấn đề pháp lý và hòa nhập cộng đồng.

Gần đây, một tín hiệu đáng mừng những người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, đó là: Bộ y tế đã xây dựng Đề cương dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính và đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố, các tổ chức bảo vệ quyền lợi người chuyển giới và ý kiến nhân dân. Sau khi hoàn thiện theo ý kiến đóng góp của các bên liên quan, dự thảo sẽ được gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Người dân quan tâm có thể đóng góp ý kiến trên trang website chính thức của Bộ y tế tại đây!

Chân thành cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi, tôi sẽ cập nhật các vấn đề liên quan khi có thêm thông tin từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Luật sư Nguyễn Hướng

 

 

Bạn ơi, bài viết hữu ích với bạn chứ? 
5/5 - (1 đánh giá)

- Có kinh nghiệm 10 năm trong nghề luật sư, làm việc tại nhiều môi trường khác nhau như: Công ty luật, pháp chế doanh nghiệp, hỗ trơ bên mảng Công chứng và Thừa phát lại. - Tham gia tranh tụng hơn 100 vụ việc tại TAND các cấp ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Tây Ninh, Tiền Giang, Khánh Hòa … về Dân sự, hình sự - Tư vấn pháp luật thường xuyên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại HCM và HN từ 2017 đến nay. - Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ quyền tác giả, sáng chế, giải pháp hữu ích, … cho khách hàng cá nhân và doanh ngiệp

Leave a Comment